Tên Nhà Cung Cấp Tri Thức Trẻ - Công Ty TNHH Sách Và Truyền Thông Việt Nam Tác giả Tư Mã Quang NXB NXB Văn Học Năm XB 2020 Ngôn Ngữ Tiếng Việt Trọng lượng (gr) 600 Kích Thước Bao Bì 24 x 16 cm Số trang 580 Hình thức Bìa Mềm
Tư trị thông giám là bộ sử quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, được viết theo thể biên niên. Nội dung của nó bao trùm một khoảng thời gian lịch sử rất dài, bắt đầu từ Chu Uy Liệt vương thời nhà Chu (403 trước Công nguyên), và kết thúc vào đời Chu Hiển Đức nhà Hậu Chu (959 sau Công nguyên), tổng cộng 1.362 năm, xuyên suốt 16 triều đại chính thống (theo sắp xếp của tác giả).
Xuất phát từ mục đích viết sử để góp phần củng cố sự thống trị của vương triều, xuyên suốt tác phẩm, nội dung và hình thức của sách mang màu sắc chính trị rất rõ nét, có thể nói, đây là điều quyết định quan điểm chính trị của sách. Bộ sử này không đơn thuần là ghi chép sự kiện, mà còn thông qua các sự kiện đó, phân tích rõ đầu mối của trị-loạn-hưng-suy, phân tích thiện ác, các chính sách… từ đó đút rút kinh nghiệm, thành tấm gương soi cho bậc đế vương thi hành đạo trị quốc. Điều ấy thật xứng đáng với tên gọi của nó: Tư trị thông giám.
Kết cấu của cuốn Tư trị thông giám tương đối chặt chẽ. Sự việc được ghi chép theo thời gian ngày, tháng, năm, lời văn mạch lạc rõ ràng. Tư trị thông giám ghi chép về rất nhiều mặt bao gồm quân sự, kinh tế, văn hóa tư tưởng, phạm vị cực kì rộng lớn. Đúng như lời của vua Tống Thần tông nói: “Cả thảy ghi chép về mười sáu triều, biên thành hai trăm chín mươi tư quyển, bày trong một gian hàng mà tóm lược được hết việc cổ kim, nội dung rộng mà cốt được yếu điểm, ghi chép tinh giản mà thuật rõ các việc, đấy cũng là tổng hợp các loại điển chương chế độ đời trước, là bộ thư tịch sâu rộng đầy đủ rôi”.
Một nét đặc sắc không thể bỏ qua, là những câu bình luận trong Tư trị thông giám, rất đa dạng và phong phú. Có những lời bình về lịch sử, có những lời bình về sự kiện, có những đánh giá về con người, có những đánh giá về chính sách, có những phân tích về kế mưu, phương lược… tất cả đều do tác giả thực hiện. Tác giả còn tuyển chép những lời bình luận của người đời trước một cách có chọn lọc để phù hợp với quan điểm của mình.
Tư trị thông giám là bộ sử biên niên cực kỳ quan trọng của Trung Quốc, nhờ tác phẩm mà giới học thuật thấy lại được một phần trong rất nhiều tài liệu đã mất, một phần tri thức của người xưa qua sách này được bảo tồn.
Sau sự thành công của Tư trị thông giám tập 1, tập 2, Nhà xuất bản Văn học và Nhà sách Tri thức trẻ tiếp tục giới thiệu Tư trị thông giám tập 3 đến bạn đọc.
Tư trị thông giám tập 3 gồm mười bảy quyển, ghi lại một giai đoạn không kém phần thú vị so với giai đoạn trước, chứa những biến cố lớn lao đáng để chúng ta chiêm nghiệm lâu dài.
Mở đầu là thời kỳ cai trị của Hán Ai đế. Hán Ai đế trị quốc không hơn gì Nguyên đế, Thành đế. Đặc biệt, Tư trị thông giám ghi chép hai sự kiện khiến mâu thuẫn giữa Ai đế và sĩ đại phu còn trầm trọng hơn hai vị vua trước.
Liên tiếp mấy đời vua không thuộc dòng đích bất tài, còn chà đạp cả danh giáo lẫn quyền lợi của sĩ đại phu khiến uy vọng mà Lưu thị tích lũy hai trăm năm tiêu tán. Vương Mãng, một đại thần dòng dõi ngoại thích thời Hán Nguyên đế, vốn có thanh danh cao, bị cách chức vì xung đột với Ai đế về tông thống, đã lợi dụng tình thế nắm lấy quyền lực, diệt trừ các phe phái đối lập về ý thức, đầu độc Hán Bình đế, chọn tôn Nhụ Tử Anh mới hai tuổi làm Hoàng đế, rồi từng bước dùng kế trá ngụy cướp lấy quyền chính, lật đổ nhà Hán, lập nên nhà Tân.
Với ghi chép tỉ mỉ của Tư trị thông giám, nhìn toàn cảnh thời đại ấy, ngoài thời thế, cơ mưu, lực lượng còn có một nguyên nhân khác đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình thành lập nhà Tân. Đó là cơ chế "Thiện nhượng" - nhường ngôi cho người hiền đức, vốn xuất hiện từ thời cổ, vẫn luôn tồn tại, lưu truyền và được xã hội tán thưởng, chấp nhận rộng rãi. Và còn rất nhiều sự kiện, những biến cố trong giai đoạn lịch sử này mà Tư trị thông giám tập 3 muốn gửi tới bạn đọc.