Giới thiệu Sách Tự Truyện Nguyễn Ngọc Ký - Tâm Huyết Trao Đời
Công ty phát hành First News - Trí Việt
Tác giả: Nguyễn Ngọc Ký
Ngày xuất bản 2020
Kích thước 13 x 20.5 cm
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 250
Nhà Xuất Bản NXB Tổng Hợp TP.HCM
Trong cuộc sống, có những con người sinh ra đã phải chịu số phận rủi ro, bất hạnh, tưởng chừng như họ chỉ sống lay lắt, hoặc không thể tồn tại mà không có sự giúp đỡ của người khác. Thế nhưng, cũng không ít người không cam chịu những thiệt thòi của số phận, mà khó khăn tật nguyền càng đè nặng bao nhiêu họ càng bật dậy mạnh mẽ bấy nhiêu. Họ không chỉ tìm cho mình một ánh lửa niềm tin để tồn tại mà còn truyền lửa cho nhiều người lành lặn khác - Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là một con người như thế.
Mấy chục năm qua, tấm gương vượt khó để học tập của Nguyễn Ngọc Ký từ trang sách giáo khoa, lan tỏa và truyền động lực cho nhiều thế hệ thanh niên, học sinh ở Việt Nam. Mấy chục năm qua cũng là quãng thời gian mà cậu học sinh tật nguyền Nguyễn Ngọc Ký kiên trì, vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống tật nguyền để trở thành Nhà giáo giàu tri thức, giàu tâm huyết. Thầy Nguyễn Ngọc Ký không chỉ thắp sáng cuộc đời mình bằng ý chí, bằng nghị lực mà còn thắp sáng cho bao nhiêu thế hệ học sinh bằng tất cả tâm huyết của mình. Bây giờ bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” tuy không còn lên lớp giảng bài, nhưng thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài truyền lửa bằng ngòi bút của mình - đó chính là cuốn sách “Tâm huyết trao đời”.
Gần năm mươi câu chuyện trong cuốn tự truyện “Tâm huyết trao đời”, bao quát khoảng thời gian từ lúc chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo lời khuyên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về quê dạy học, trở thành giáo viên dạy giỏi của toàn ngành, đến khi là cán bộ xuất sắc của Phòng Giáo dục Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ hưu năm 2005… càng giúp bạn đọc thêm ngưỡng mộ một con người tuy bị tàn tật về thân thể, nhưng mạnh mẽ về trí tuệ, tinh thần, có lòng tha thiết yêu đời, yêu nghề, kiên cường vượt lên thử thách nghiệt ngã của số phận và đã làm nên những điều tuyệt vời mà không phải ai cũng có thể làm được.
Với tâm huyết cháy bỏng của mình, thông qua mỗi câu chuyện kể, Nhà giáo Ưu tú, Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký cũng “trao đời” những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đúc rút từ chính cuộc đời mình – người thầy dạy học, viết văn bằng chân đầu tiên ở Việt Nam, với tư duy đổi mới về dạy và học, về đào tạo phát triển toàn diện con người. Đó không chỉ là những chắt lọc mang tính chuyên môn mà còn là tâm hồn, tình cảm, nhân cách cao đẹp của một nhà giáo chân chính, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội. Chính những ưu điểm trên, cuốn “Tâm huyết trao đời” của Nhà giáo Ưu tú, Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký như người bạn hiền, luôn khích lệ bạn đọc mỗi khi họ phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Cuốn sách cũng truyền cảm hứng yêu đời, luôn phấn đấu vượt lên chính mình, cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau.
“Tâm huyết trao đời”, cũng là tập cuối của bộ ba hồi ký cuộc đời nhà văn, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký như một bức tranh hoàn chỉnh gửi đến bạn đọc. Trong tác phẩm, những câu chuyện giản dị được kể một cách chân thật, sinh động, có sức hấp dẫn và lay động mạnh mẽ. Mỗi chương là một cánh cửa, mở ra không gian rộng lớn cho bạn đọc hiểu thêm về tâm hồn và triết lý sống của Thầy - một con người cởi mở, khiêm nhường, giàu yêu thương, đầy khát vọng, nhiệt huyết, nhiều sáng kiến và quyết tâm…Nó thực sự là một tấm lòng cao cả của hôm qua, hôm nay và mai sau cho thế hệ sau này đang muốn vươn về tương lai tươi sáng.
Nguyễn Ngọc Ký sinh ra và lớn lên ở Hải Hậu, Nam Định – vùng đất giàu truyền thống văn hiến và hiếu học. Lên 4 tuổi, không may bị bệnh, liệt cả hai tay, Nguyễn Ngọc Ký không còn điều kiện để được ăn, học, vui chơi, phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng không đầu hàng số phận, Nguyễn Ngọc Ký đã kiên trì khổ luyện, tập viết bằng chân, tập làm việc, sinh hoạt bằng chân, thay đôi tay đã bị tàn phế; được đến trường đi học, phấn đấu trở thành học sinh giỏi, hai lần được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý của Người; rồi anh thi đỗ đại học, mở cánh cửa vào đời bằng… đôi chân kỳ diệu.