Giới thiệu Sách Từng bước nhập môn Nghiên cứu Khoa học Xã hội
GIỚI THIỆU NỘI DUNG Cuốn sách gồm 7 phần với tổng cộng 71 bài giảng (và một bài giảng số 0 hướng dẫn cách sử dụng cuốn sách) đã cung cấp cho chúng ta một dẫn nhập cực kỳ chi tiết, toàn diện, đa chiều và dễ tiếp cận về quá trình triển khai cũng như những lưu ý trong nghiên cứu khoa học xã hội. Điểm cốt lõi nổi trội trong tài liệu này là phương pháp micro-learning (học vi mô) vốn được thiết kế để phục vụ việc học nhanh chóng, dễ dàng, kiến thức tinh gọn, nội dung không quá dài và luôn có đầy đủ thông tin tra cứu cũng như bài tập thực hành. Gần như mọi “ngóc ngách” trong địa hạt nghiên cứu khoa học xã hội đều được nhóm tác giả đề cập, phân tích trong hơn 300 trang tài liệu. + Năng lực về dữ liệu và thông tin khoa học: cung cấp các thông tin và hướng dẫn chi tiết về kho dữ liệu khoa học, phân loại ấn phẩm khoa học, truy cập mở, dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp… + Kiến thức cơ bản: phạm trù và biến, quy nạp và diễn dịch, lý thuyết và mô hình, giả thuyết và định đề, mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu, tính mới trong nghiên cứu… + Đọc một bài báo khoa học: tiêu đề và tóm tắt bài báo, cấu trúc của các loại hình tài liệu khoa học, cấu trúc của bài báo khoa học… + Viết và biện luận: các website hỗ trợ viết học thuật, vấn đề viết lại câu và tách câu, ngụy biện… + Đạo đức, thái độ của nhà nghiên cứu: đạo văn, trích dẫn và tài liệu tham khảo, đạo đức trong nghiên cứu, những thái độ cần thiết của nhà nghiên cứu… + Thực hiện nghiên cứu: mẫu và quần thể, thang đo, độ tin cậy và độ hiệu lực, các phương pháp sử dụng trong nghiên cứu như thực nghiệm, bảng hỏi, diễn giải, phân tích nội dung, nghiên cứu trường hợp… + Kiến thức và kỹ năng nâng cao: tiêu chí đánh giá trong biên tập và phản biện, hợp tác và xây dựng mạng lưới, xin tài trợ, tạp chí “săn mồi”, uy tín và hình ảnh nhà nghiên cứu… GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TS. Phạm Hiệp nhận bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh quốc tế tại Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan (Trung Quốc) năm 2017. Đến nay, TS. Hiệp đã có hơn 40 bài viết được công bố trên các tạp chí và sách trong thư mục SSCI/Scopus. Ông cũng là thành viên của 03 tạp chí quốc tế Scopus và thường xuyên làm phản biện cho gần 20 tạp chí quốc tế SSCI/Scopus. Hiện nay, TS. Hiệp đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục EdLab Asia. Ông Hiệp sáng lập và là giảng viên chính tại Chương trình Research Coach in Social Sciences từ năm 2017. Đến nay, Chương trình đã đào tạo/huấn luyện gần 1000 nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội, khoảng gần 100 trong số đó đã có công bố quốc tế SSCI/Scopus. Năm 2022, TS. Phạm Hiệp được nhận giải thưởng “Nhà nghiên cứu xuất sắc về quốc tế hóa giáo dục” từ Mạng lưới Du học và Sinh viên quốc tế (SAIS). Các cộng sự của TS. Hiệp tham gia trong quá trình biên soạn cuốn sách này gồm có: Nguyễn Yến Chi, Phạm Thị Oanh, Cao Quốc Thái, Nguyễn Linh Chi, Nguyễn Đức Huy, Đoàn Thị Phương Thục, Bùi Phương Hà. Tất cả đều là các nghiên cứu viên, cộng tác viên tại EdLab Asia
Tác giả: Phạm Hiệp & cộng sự Công ty phát hành: Quảng Văn Khổ: 16x24cm Độ dày: 1.5cm Khối lượng: 650g Số trang: 304 trang Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội Giá bìa: 309.000 đồng Thời gian phát hành: tháng 8/2022