Tác giả: Trần Đình Ba Khổ sách: 16 x 24 cm Số trang: 484 trang Năm xuất bản: 2018
Với cuốn sách các bạn đang cầm trên tay, kể ra, ban đầu tác giả cũng không dự định viết nên. Mà,có thể xem đó là một cơ duyên vậy. Số là tháng 5 năm 2015, báo Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp ra một tuần báo riêng mang tên Pháp luật 4 phương. Tình cờ và cũng hữu duyên làm sao, từ cầu nối qua nhà báo Lương Chí Công, chủ biên tuần báo này, mà tôi nhận lời đảm nhận một chuyên mục mình đề xuất mang tên “Án xưa tích lạ”, với mục đích tìm trong sử cũ, gom góp những án xưa, viết lại hầu bạn đọc, cốt sao nói xưa ngẫm nay mà thôi chứ không có gì gọi là to tát. Thế rồi, kể từ số báo đầu tiên ra ngày 11 tháng 5 năm 2015, đều đặn hàng tuần, bên cạnh công việc chính, tôi lại cặm cụi nhặt nhạnh trong sử sách nước nhà xem có những án nào hay, đặc biệt để viết. Càng tìm, càng thấy nhiều. Đâu chỉ những vụ án lâu nay ta đã quen như án Lệ Chi viên, án Thái sư Lê Văn Thịnh… Có nhiều, nhiều lắm những vụ án, những cách xử án có một không hai trong sử ta cứ dần dần hiện ra sau khi lần giở bao trang sách. Còn đó việc Bùi Cầm Hổ xử vụ án bát canh lươn; vẫn chưa mờ phai vụ án Thái tử Lê Duy Vỹ bị vu cáo mà phải chết oan ức; bài học Quốc lão Phạm Công Trứ vì vô tình ăn món chả chim đút lót mà phải thay đổi việc định tội danh cho phạm nhân… và biết bao nhiêu vụ án khác nữa kể sao cho hết. Nay, dù chưa dám gọi là nhiều, nhưng cũng xin mạn phép mà lọc ra những bài viết trên mục “Án xưa tích lạ”, chỉnh sửa cho hợp với văn phong của một xuất bản phẩm để tạo thành cuốn sách mang tên Việt án lần theo trang sử cũ với giới hạn quãng thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX (có một số vụ án liên quan đến dạo thực dân Pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ XIX và thời Pháp thuộc sau đó đến năm 1945, chúng tôi xin phép thuật lại trong một cuốn khác khi có điều kiện), những mong bạn đọc muốn tìm hiểu về những vụ án xưa trong sử nước nhà mà chưa có điều kiện tra cứu sách vở, thì có thể tìm thấy ở đây đôi điều mình muốn. Hoặc giả sử có bạn đọc yêu báo Pháp luật 4 phương, muốn lưu giữ một ấn tượng, kỷ niệm về báo, thì cũng tìm thấy được một mảnh nhỏ từ sách này. Đọc qua Việt án lần theo trang sử cũ, độc giả có thể cảm được rằng, không phải vụ án nào cũng được xét xử dựa theo luật pháp, mà ngoài ra, tính công bình của những Quốc triều hình luật, Hoàng Việt luật lệ… còn phụ thuộc vào tài năng, cách xử lý của người nắm giữ cán cân pháp luật. Lại cũng qua đây, nhiều vụ án được khám phá thông qua những cách thức phá án hết sức sáng tạo, tài tình của quan xử án, chứng tỏ cha ông ta xưa kia khi phương tiện điều tra, xét hỏi còn hạn chế, đã rất linh hoạt vận dụng tài tình nhiều cách phá án, xử án khác nhau. Mục đích cuối cùng, đa phần những mong pháp luật được thực thi, xử đúng người, đúng tội, và cũng để đảm bảo tính nhân văn của luật pháp nước Việt.