Tác giả: BS. Đỗ Hồng Ngọc Khổ sách: 15x21 cm Số trang: 646 trang Năm xuất bản: 2011 NXB VĂN HÓA VĂN NGHỆ
Cành Mai Sân Trước Có người hỏi vì sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà lại dám viết về… người già, nào Gió heo may đã về, nào Già ơi chào bạn, nào Nghĩ từ trái tim…? Đúng vậy, tôi chỉ là một bác sĩ nhi khoa, bác sĩ của trẻ con, nhưng sở dĩ viết về người già là bởi vì trước sau gì mấy nhóc nhỏ mà tôi đã và đang khám chữa bệnh cũng sẽ trở thành một người già, một ngày nào đó! Gần bốn mươi năm trước khi tôi thực tập ở bệnh viện Từ Dũ, đã có dịp đỡ đẻ cho một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các nhóc đó tuổi cũng đã gần “gió heo may” rồi còn gì! Còn mấy nhóc tôi có dịp chữa trị ở Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Saigon và tại phòng mạch hằng mấy chục năm qua thì bây giờ cũng đã lại thấy mang con đến khám bệnh. Người nào tóc cũng đã muối tiêu. Có người muối nhiều hơn tiêu. Nhắc lại chuyện xưa đôi lúc không khỏi bùi ngùi. Cho nên làm gì có chuyện cách ngăn tuổi này tuổi nọ tuổi kia. Cuộc sống như một dòng sông. Cho mãi đến cuối thế kỷ 20, năm 1999, Liên Hợp Quốc mới có một năm dành cho người cao tuổi, người già trên toàn thế giới, gọi là “Năm quốc tế người cao tuổi” với khẩu hiệu là “Hãy sống một tuổi già tích cực”, bởi vì trước đó người ta chỉ nghĩ tuổi già là tuổi của tàn phai, héo úa, ăn hại, là gánh nặng xã hội… cho đến khi giật mình thấy không phải thế! Con người ở tuổi nào cũng sẽ là gánh nặng cho xã hội, cũng ăn hại, cũng tàn phai… nếu sống không ra sống, sống mà như đã chết, sống mà không hạnh phúc, không có chất lượng cuộc sống, sống mà lệ thuộc, mà khổ đau triền miên… Thế mà gần một ngàn năm trước, ở nước ta, vào thời nhà Lư, Mãn Giác thiền sư đã có những câu thơ rất độc đáo còn lưu truyền mãi đến nay với một cái nhìn tích cực về tuổi già mà Ngô Tất Tố đã dịch: Xuân ruỗi trăm hoa rụng Xuân tới trăm hoa cười Trước mắt việc đi mãi Trên đầu già tới rồi Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một cành mai… Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết! Đêm qua sân trước một cành mai! Thật vậy. Vẫn còn đó, nơi sân trước kia, đêm qua, một cành mai vàng rực rỡ đã nở, báo hiệu một sức sống mãnh liệt vẫn dâng tràn… Vậy đó, mùa xuân dù đã phai, cành mai sân trước vẫn nở tươi thắm. Nụ cười vẫn lạc quan, cuộc sống vẫn tích cực, chủ động và sáng tạo không ngừng nếu những người có tuổi được chuẩn bị trước để hiểu rõ sự đổi thay, để chấp nhận, để điều chỉnh, tưới tẩm những niềm vui cho chính bản thân mình, cùng với sự giúp đỡ của gia đình và xã hội thì sẽ giúp họ có một cuộc sống đầy chất lượng, nhiều hạnh phúc. Được mệnh danh là “người chữa bệnh bằng văn chương”, với Cành Mai Sân Trước, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sẽ mang đến cho bạn đọc một cái nhìn mới mẻ về tuổi già – một độ tuổi mà người ta vẫn có thể sống trong ngập tràn hạnh phúc