Giới thiệu Sách Cụ Phó bảng Minh Xuyên Hoàng Yến và tác phẩm Cầm học tầm nguyên
Tác giả: Nguyễn Phúc An Khổ sách: 16x24 cm Số trang: 444 trang Năm xuất bản: 2019
Dẫn luận lời tác giả:
Năm 2017 tôi vô tình biết được tác phẩm Cầm học tầm nguyên, trong khi tôi tìm tài liệu về phái đoàn Phan Thanh Giản đi Pháp, nhưng lại biết Cầm học tầm nguyên với tên là Âm nhạc Huế - Đờn nguyệt và đờn tranh trong tạp chí Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des Amis du Viex Hué - BAVH) bản dịch tiếng Việt, số năm 1919.
Tôi đọc một mạch bài viết, tuy rất thích thú nhưng không ấn tượng lăm bởi văn từ hơi ngô nghê. Sau đó tôi biết được nó dịch từ bản tiếng Pháp, tôi không quan tâm lắm vì vốn dĩ không biết tiếng Pháp. Nhưng tôi chú ý đến phần bản đờn được in đằng sau bằng chữ Hán, và cảm thấy tràn đầy sự tò mò, định bụng để dành đến khi cần sẽ tra cứu.
Hơn một năm sau, một lần nữa tôi lại vô tình biết đến tác phẩm Cầm học tầm nguyên khi đang tra cứu về nhân vật Tương An Quận Vương, từ trong quyển sách bổ ích Tâm sự Tương An Quận Vương qua thi ca của ông của thầy Nguyễn Khuê, thì bắt được một thông tin ông này cũng là một nhân vật sành cổ nhạc (âm nhạc Huế), mà tư liệu được trích dẫn trong sách được lấy từ nguồn Tạp chí Nam Phong. Vốn dĩ bổn thân là một người quan tâm tới nghiên cứu cổ nhạc, nên tôi tò mò tìm đến Tạp chí Nam Phong để truy nguyên nguồn gốc. Tôi chới với vỡ lẽ ra bài viết ấy chính do ông Hoàng Yến viết, tức là bài viết mà mình đã đọc một năm trước ở tạp chí BAVH. Chỉ có điều ở Nam Phong bài viết bằng Việt ngữ gốc do chính tác giả viết nên hoàn toàn thu hút tôi hơn là bản dịch trước đó.
Thế là một lần nữa tôi có duyên với Cầm học tầm nguyên. Sau khi đọc lại bài viết trong sáu kỳ đăng trong Tạp chí Nam Phong, tôi cảm thấy đây hoàn toàn là một tư liệu có giá trị tham khảo đối với những người làm công tác nghiên cứu âm nhạc cổ truyền cũng như là người nghiên cứu âm nhạc Huế. Tôi quyết định, thử sức mình một lần nữa để khảo cứu lại chính xác, và nghiên cứu về tác phẩm này, nêu ra những giá trị của tác phẩm, đồng thời so sánh tác phẩm trong tương quan những thư tịch nghiên cứu âm nhạc của Việt Nam thời trung đại, hòng góp phần nhỏ cho giới nghiên cứu một tư liệu gốc, tiện cho việc tìm hiểu và tra cứu.