Giới thiệu Sách Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung - Pháp - Bìa Mềm
Tác giả: Long Chương Khổ sách: 16 x 24 cm Số trang: 740 trang Năm xuất bản: 2022 NXB Tổng Hợp TPHCM
Việt Nam và Cuộc Chiến Trung - Pháp (Bìa mềm)
1. THAM VỌNG CỦA TRUNG HOA Khi người Pháp đánh Bắc Kỳ, những trận đánh giữa Pháp và quân triều đình, quân Cờ Đen và quân Tàu đã không vẽ ra được một khung cảnh rõ rệt. Hầu như ít ai tìm hiểu tại sao lại có mặt của nhiều thế lực trên cùng một địa bàn và hậu quả thế nào đối với vận mệnh đất nước. Trước đây, lịch sử ít khi đề cập đến những trao đổi hậu trường giữa Pháp và Trung Hoa để phân chia quyền lợi của họ trên đất nước Việt Nam. Nghiên cứu của Long Chương đã mở ra một hướng nhìn khác hẳn và cho chúng ta thấy trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, vận mệnh của đất nước mình không phải được quyết định ở Hà Nội, Huế hay Sai gòn mà ở những nơi xa xôi như Paris, Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải … Những tranh biện ngoại giao, những nhượng bộ thương mại đưa đến nhiều khu vực biên giới được giữ lại cho nước ta hay thuộc về lãnh thổ của Tàu. Những thương thuyết đó triều đình Huế không được tham dự đã đành mà có khi còn không biết đến, cũng chẳng thấy đề cập đến trong quốc sử. Trong quá trình đó, Hòa ước Giáp Tuất 1874 là bản lề quan trọng nhất của người Pháp vì triều đình Huế phải nhường 6 tỉnh Nam Kỳ, “ba tỉnh lại chầu ba” như cụ Phan Thanh Giản đã than thở. Hiệp ước này đúng ra chỉ xác định một việc đã có sẵn vì Nam Kỳ đã mất từ 6 năm trước (1868) khi Phan Thanh Giản qua đời. Tuy Hòa ước Giáp Tuất không mấy nổi trội nhưng chính từ những điều kiện của hiệp ước này đã đưa đến nhiều vấn đề. Quan trọng nhất, người Pháp phủ nhận cái quyền tông chủ của nhà Thanh đối với Việt Nam mà họ vốn chỉ coi là nghi thức ngoại giao, triều cống phương vật để biểu lộ sự phục tòng chứ không phải là một thuộc quốc theo nghĩa hành chánh. Thế nhưng, một mặt do lòng tham của Trung Hoa muốn giải thích sao cho có lợi, đồng thời tạo một lý do chính đáng để đem quân can thiệp vào nước ta. Cũng chính từ lối giải thích mập mờ của quyền tông phiên [mà nhà Thanh cho rằng cũng không khác gì quyền bảo bộ của người Pháp], cộng thêm sự cầu viện ngầm của triều đình Huế, lấy tiếng là tiễu phỉ, để nhờ người Tàu sang đối đầu với người Pháp ở Bắc Kỳ. Kể từ đó, việc chống Pháp ở miền bắc do quân Thanh và quân Cờ Đen là chính, còn quân của chính triều đình Tự Đức thì lại xuống hàng thứ yếu, đưa đến những thất bại nhanh chóng khi một lực lượng nhỏ của Pháp cũng lấy được nhiều tỉnh trong vùng tam giác châu miền bắc, kể cả cố đô là Hà Nội. Hai vị lão thần Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu chỉ biết lấy thân đền nợ nước để tránh nỗi nhục bị xử án như Phan Thanh Giản ở trong nam. Có lẽ, đúng như Phan Khoang nhận xét, sau khi ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862), triều đình Huế không ý thức được sự yếu kém của mình mà tự lực canh tân, ngược lại còn đi sâu thêm vào việc tự cô lập, theo kiểu tự chui đầu xuống cát. Tác giả Phan Khoang viết: “… Trong hoà-ước Giáp-tuất, hai khoản thứ ba, thứ tư biếu ta một số tầu, súng, và cấp ta người huấn-luyện quân-sự, kỹ-sư để giúp việc và bầy dậy cho, nếu vua quan ta biết khéo lợi dụng cơ-hội ấy thì có lẽ nước ta cũng đã tiến được một bước trên đường văn minh mới, ngặt vì tinh-thần bài Pháp quá hăng, chưa thấy rõ giá-trị của văn-minh mới, nhất định không chịu bắt chước gì của kẻ địch bầy dạy, nên hoà-ước ký rồi thì Triều-đình bỏ vào tủ, rồi trong mọi việc, đường lối nghìn xưa thế nào thì nay cứ tiếp theo thế mà làm, không chịu tự-tu, tự-chỉnh, tự-tân, tự-cường, cho nên chẳng bao lâu, mảnh đất Trung, Bắc-Kỳ còn lại cũng sa nốt vào lao-lung ngoại-quốc”.